Chi phí hàng tháng khi sử dụng xe ô tô
Mức giá nhiên liệu tạm tính là 24.000 VNĐ/1L cùng các chi phí bảo dưỡng xe định kỳ (tuân thủ đầy đủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất), thay má phanh (3 lần), lốp (2 lần). Chi phí tạm tính không bao gồm bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ, đăng kiểm, hay thay thế phụ tùng hỏng hóc bất thường. Các khoản chí phí gởi xe, tiền phạt CSGT… Chính vì vậy, người sử dụng xe ôtô cần dự toán thêm khoản kinh phí phụ trội so với các mức dưới đây:
- Xe phổ thông cỡ nhỏ
- Chi phí mua xe: từ 300 – 500 triệu VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số, phí đăng kiểm và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ…)
- Những gương mặt tiêu biểu: Kia Morning, Hyundai i10, Hyundai i20, Toyota Vios, Ford Fiesta, Chevrolet Spark, Chevrolet Aveo,…
- Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng 190 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~1,7 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~2,8 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
Đây là những dòng xe giá rẻ, được coi là phương tiện đi lại thông thường, với trang bị tiện nghi và an toàn ở mức đơn giản, chi phí bảo dưỡng sửa chữa và nhiên liệu tương đối thấp. Trên thị trường xe đã qua sử dụng, đây cũng là nhóm xe được mua đi bán lại nhiều.
Tiêu thụ nhiên liệu trung bình của nhóm xe này dao động trong khoảng từ 5,5 – 6,5 lít/100km (địa hình hỗn hợp). Mỗi lần bảo dưỡng định kỳ cấp 1 chỉ mất dưới 1 triệu VND, trong khi mỗi lần bảo dưỡng tổng thể cấp 2 cũng chỉ khoảng từ 3 – 4,5 triệu VND tùy từng xe. Chi phí thay thế phụ tùng hỏng hóc cũng tương đối thấp. Chẳng hạn như thay toàn bộ lốp của chiếc xe Daewoo Matiz chỉ tốn khoảng 3,6 – 4,4 triệu VND, và thay toàn bộ má phanh loại khá tốt (cả trước và sau) của chiếc Kia Morning cũng chỉ khoảng 1,5 – 1,6 triệu VND.
Kết luận: Nhóm này phù hợp với những người có thu nhập trung bình, nhu cầu đi lại vừa phải (30 – 50km/ngày) và khả năng tiết kiệm dành riêng cho xe trên 4 triệu VND/tháng, thậm chí với những người sử dụng ít thì số tiền tiết kiệm có thể thấp hơn nữa.
- Xe phổ thông cỡ vừa
- Chi phí mua xe: từ 600 – 800 triệu VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ,…)
- Những gương mặt tiêu biểu: Toyota Corolla Altis, Honda Civic, Ford Focus sedan và hatchback, Mazda 3 sedan và hatchback,…
- Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng 245 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~2,3 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~3,7 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
Đây là nhóm các xe được đánh giá là đạt được sự hài hòa của cả hai yếu tố là tính thiết thực và kinh tế trong quá trình sử dụng, đáp ứng nhu cầu của số đông. Không gian đủ rộng với những tiện nghi cơ bản cho một gia đình nhỏ, hoặc những công chức bình thường, và điều quan trọng là khoang hành lý đủ lớn chứ không gò bó như nhiều dòng xe compact. Chính vì vậy, đây là phân khúc xe với những cái tên luôn đứng đầu trong danh sách xe bán chạy nhất trên toàn cầu nhiều năm qua.
Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa và nhiên liệu chẳng có gì đáng lo ngại, chỉ cao hơn một chút các dòng xe phổ thông cỡ nhỏ. Chẳng hạn như một lần thay dầu khoảng 500.000 VND, thay má phanh cả trước và sau khoảng 2,8 triệu VND, thay lốp khoảng 10 triệu VND.
Kết luận: Nhóm xe này phù hợp với những người có khả năng tiết kiệm tối thiểu dành riêng cho xe trên 5 triệu VND/tháng và nhu cầu đi lại ở mức trung bình (30 – 50km/ngày).
- Xe hạng trung cao cấp
- Chi phí mua xe: từ 900 – 1,4 tỷ VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ,…)
- Những gương mặt tiêu biểu: Toyota Camry, Ford Mondeo, Honda Accord, Nissan Teana, Hyundai Sonata, Kia Optima,…
- Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng 380 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~3,5 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~5,8 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch có thể rất lớn tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
So với nhóm xe phổ thông cỡ vừa, nhóm xe này gần như là sự mở rộng ở tất cả các khía cạnh, từ kích thước, trọng lượng, đến sức mạnh động cơ, trang bị tiện nghi và an toàn, và mức tiêu thụ nhiên liệu, đồng thời chi phí bảo dưỡng sửa chữa cũng đắt hơn nhóm trước.
Cùng xếp trong nhóm chi phí này còn có những mẫu SUV cỡ trung, hoặc ở mức cao hơn một chút còn có thể có những cái tên trong phân khúc xe sang cỡ nhỏ như Mercedes-Benz C-class bản tiêu chuẩn, BMW 3-series bản tiêu chuẩn, hay Audi A4 bản tiêu chuẩn,…
Tùy theo mẫu xe, dung tích xy-lanh và công nghệ mà mức độ tiêu tốn nhiên liệu có khác nhau, nhưng một số mẫu phổ dụng nhất trong nhóm này thường có mức tiêu thụ khoảng hơn 8 lít/100km đường trường và trên 13 lít trong đô thị.
Kết luận: Nhóm xe này phù hợp với các doanh nhân trẻ và thực dụng. Với nhu cầu đi lại ở mức trung bình, những người sở hữu ôtô trong nhóm này cần có khả năng tiết kiệm an toàn khoảng trên 8 triệu VND/tháng.
- Xe sang cỡ trung
- Chi phí mua xe: từ 1,9 – 2,7 tỷ VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ,…)
- Những gương mặt tiêu biểu: Mercedes-Benz E-class, BMW 5-series, Audi A6, Lexus GS,…
- Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng 490 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~5,5 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~8,0 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch có thể rất lớn tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
Khi đã lựa chọn những chiếc xe trong nhóm chi phí này, người sử dụng ôtô đã không chỉ coi chiếc xe là phương tiện đi lại thông thường, mà còn đề cao tính tiện nghi, sang trọng và là chiếc xe mang thương hiệu thể hiện đẳng cấp. Hạng xe này thậm chí còn “được” phân biệt tại nhiều điểm trông giữ xe.
Song song với những gì mà chiếc xe mang lại, chi phí định kỳ và chi phí bất thường đi kèm cũng không dễ chịu chút nào đối với đa số những người có mức thu nhập trung bình. Chẳng hạn với chiếc Mercedes-Benz E280, mỗi lần thay dầu động cơ hết hơn 2 triệu VND, dầu hộp số gần 6 triệu VND, lọc gió động cơ cũng khoảng 3 triệu VND, một bộ cao su chân máy (2 chiếc) cũng ngót nghét 10 triệu VND, hay lốp xe cũng khoảng 20 – 22 triệu VND/4 chiếc.
Kết luận: Chính vì những chi phí bất thường lớn, chủ sở hữu xe thuộc nhóm này cần có khoản tiết kiệm tối thiểu dành riêng cho xe vượt xa mức chi phí cố định (nhiên liệu và bảo dưỡng định kỳ). Với nhu cầu đi lại bình thường, mức tiết kiệm an toàn tối thiểu cho xe cũng phải là trên 12 triệu VND/tháng.
- Xe sang cỡ lớn
- Chi phí mua xe: từ 4,0 – 7,0 tỷ VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ,…)
- Những gương mặt tiêu biểu: Mercedes-Benz S-class, BMW 7-series, Audi A8, Lexus LS, Porsche Panamera,…
- Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng 580 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~6,5 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~8,9 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch có thể rất lớn tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
Khi đã bước chân vào nhóm xe này, chủ nhân của những chiếc xế hộp không chỉ là những người cực kỳ rủng rỉnh về mặt tiền bạc, mà còn coi trọng đẳng cấp, sự an toàn và sang trọng ở mức hàng đầu.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này còn cho biết các phiên bản khác nhau trong cùng một dòng xe (chẳng hạn như giữa S600 và S350, hay giữa 730Li và 760Li) cũng có thể khác nhau rất lớn về chi phí sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa. Đơn cử như riêng bộ má phanh của 730Li khoảng 12 triệu VND, nhưng của 760Li có thể lên đến gần 20 triệu VND. Mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình cũng có thể lệch nhau tới gần chục lít/100km giữa các phiên bản động cơ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện đường sá và cách xử lý của người lái.
Kết luận: Thật khó để có thể đưa ra một mức tiết kiệm an toàn tối thiểu cho chiếc xe ở phân khúc này, nhưng nếu bạn vẫn mơ ước được sở hữu một chiếc để thỏa mãn nhu cầu đi lại ở mức vừa phải thì phải chuẩn bị kinh phí an toàn trên 13 triệu VND/tháng.
- Xe địa hình đa dụng cao cấp
- Chi phí mua xe: từ 3,0 – 7,0 tỷ VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ,…)
- Những gương mặt tiêu biểu: BMW X5, X6, Audi Q7, Mercedes-Benz GL-class, ML-class, Porsche Cayenne,…
- Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng trên 500 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~5,0 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~8,2 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch có thể rất lớn tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
Điều kiện sử dụng khiến sự chênh lệch về chi phí giữa các xe trong nhóm này là rất lớn. Chẳng hạn như một chiếc BMW X5 trang bị động cơ 4.8L có thể chỉ tiêu tốn khoảng 14 lít/100km đường trường, nhưng sẽ “ngốn” hết khoảng trên 22 lít/100km trong đô thị.
Do thường xuyên phải hoạt động trên địa hình khắc nghiệt, một số chi tiết của nhóm xe này cũng phải thay thường xuyên hơn các dòng xe sedan. Giá phụ tùng của nhóm xe này cũng khiến nhiều người phải giật mình. Đơn cử như một chiếc lốp cỡ 275/55 R19 của Mercedes GL cũng có giá tới hơn 8,5 triệu VND/chiếc, đồng nghĩa với việc mỗi lần thay lốp đã tiêu tốn hơn 34 triệu VND, ắc quy của BMW X5 cũng có giá từ 13 – 18 triệu VND, một bộ giảm xóc khí nén phía trước của BMW X5 có giá khoảng hơn 20 triệu VND.
Chính vì chi phí sửa chữa và thay thế phụ tùng cao, các dòng xe sang đã qua sử dụng thường có tỷ lệ mất giá cao hơn rất nhiều so với các dòng xe phổ thông. Thường thì trong vòng 5 năm đầu mua xe, chi phí cố định (bảo dưỡng định kỳ và nhiên liệu) của nhóm xe này có thể chẳng thành vấn đề, nhưng chi phí cho việc thay thế phụ tùng/sửa chữa sau đó mới là điều đáng nói.
Kết luận: Nhóm xe này chỉ dành cho những người thực sự rủng rỉnh về mặt tài chính. Ngoài khoản chi chí an toàn hàng tháng cho xe khoảng trên 12 triệu VND, chủ xe cần có khoản dự phòng lớn hơn thế rất nhiều.
Minh Đức